2025-05-21 15:30:07

TP.HCM có 13,7 triệu dân sau sáp nhập, ngành y tế lo nguy cơ quá tải bệnh viện tuyến cuối

(NS) - Sau sáp nhập Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, dân số TP.HCM tăng lên hơn 13,7 triệu người. Ngành y tế cảnh báo nguy cơ quá tải bệnh viện tuyến cuối do tỷ lệ giường bệnh, bác sĩ, điều dưỡng giảm mạnh. Nhiều giải pháp đang được gấp rút triển khai.

 

Sở Y tế TP.HCM vừa tổ chức hội thảo cùng Sở Y tế tỉnh Bình Dương và Sở Y tế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu để đánh giá khả năng cung ứng dịch vụ y tế sau hợp nhất. Dù số lượng bệnh viện tăng lên, ngành y tế vẫn lo ngại về nguy cơ quá tải khi dân số toàn khu vực sau sáp nhập vượt mốc 13,7 triệu người.

Theo thống kê, sau hợp nhất, diện tích TP.HCM tăng từ 2.095 km² lên 6.772 km², dân số từ 9,9 triệu lên hơn 13,7 triệu người. Dù số bệnh viện tăng từ 134 lên 164, số giường bệnh tăng lên 49.147, nhưng tỷ lệ giường bệnh trên mỗi vạn dân lại giảm từ 41,7 xuống còn 31,3 – thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu mục tiêu là 42.

Tương tự, số bác sĩ tăng lên 24.629 người, nhưng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân giảm mạnh từ 20,8 xuống 13,08 (chỉ tiêu 21). Tỷ lệ điều dưỡng cũng giảm từ 37 xuống còn 29/vạn dân (chỉ tiêu 39). Tổng số hồ sơ dịch vụ công y tế dự kiến sẽ tăng thêm hơn 10.000 hồ sơ mỗi năm, từ 20.000 lên trên 30.000.

Các đại biểu nhận định, số lượt khám chữa bệnh hàng năm sẽ tăng mạnh. Cụ thể, khám ngoại trú dự kiến tăng từ 42 triệu lên 51 triệu lượt/năm, điều trị nội trú tăng từ 2,2 triệu lên hơn 3,8 triệu lượt/năm. TP.HCM sẽ phải đảm trách tới 30% tổng số lượt khám ngoại trú và 23% lượt điều trị nội trú của cả nước, gây sức ép lớn lên hệ thống bệnh viện tuyến cuối.

Các bác sĩ tại TPHCM khám bệnh cho người dân. Ảnh: BVTP Thủ Đức.

 

Để giảm tải cho hệ thống y tế TP.HCM, ngành y tế đề xuất mở rộng cơ sở 2, cơ sở 3 cho các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tại Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Đồng thời, cần hình thành thêm các cụm y tế chuyên sâu mới, tăng cường chỉ tiêu nhân lực và cơ sở vật chất phù hợp với tình hình dân số tăng nhanh.

Một vấn đề cấp thiết là hai tỉnh mới sáp nhập chưa có hệ thống cấp cứu ngoài bệnh viện. Do đó, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM sẽ khảo sát và triển khai các trạm cấp cứu vệ tinh tại đây, nhằm đảm bảo phản ứng nhanh với các tình huống khẩn cấp.

Cùng với đó, đề án nâng cao năng lực Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (CDC) cũng được thúc đẩy. Mục tiêu là sẵn sàng ứng phó dịch bệnh, kiểm soát y tế cộng đồng hiệu quả ngay sau hợp nhất.

Vấn đề đầu tư công và tiến độ dự án

Tổng vốn đầu tư công cho y tế TP.HCM trong giai đoạn 2021–2025 được nâng từ 48.549 tỷ đồng lên 52.424 tỷ đồng, với tổng cộng 154 dự án tại ba địa phương. Giai đoạn 2026–2030, con số này dự kiến tiếp tục tăng lên 65.134 tỷ đồng, cùng 6 dự án PPP với vốn trên 10.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều dự án hiện đang chậm tiến độ vì vướng thủ tục, thiếu mặt bằng và nguồn lực triển khai. Các đại biểu kêu gọi TP.HCM cần có giải pháp căn cơ để tăng hiệu quả quản lý đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh địa bàn quản lý mở rộng đáng kể.