2025-06-03 09:54:19

Từ ngày 1/7, làm thủ tục công chứng hợp đồng không cần nộp phiếu yêu cầu

(NS) - Bắt đầu từ tháng 7 tới, người dân khi làm thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ không còn phải nộp Phiếu yêu cầu công chứng như trước đây. Đây là một trong những điểm mới quan trọng của Luật Công chứng 2024 – sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7.

Luật mới gồm 8 chương và 76 điều, rút gọn so với Luật Công chứng 2014 (giảm 2 chương và 5 điều), với mục tiêu tạo thuận lợi hơn cho người dân, đồng thời nâng cao chuẩn mực hành nghề công chứng.

Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc loại bỏ Phiếu yêu cầu công chứng khỏi thành phần hồ sơ với các hợp đồng, giao dịch đã được soạn thảo sẵn. Trước đây, phiếu này là một trong năm tài liệu bắt buộc, dù thực tế pháp luật không quy định mẫu chuẩn. Theo quy định cũ, nội dung phiếu cần thể hiện rõ họ tên, địa chỉ người yêu cầu công chứng, nội dung cần công chứng, danh sách giấy tờ đính kèm, tên tổ chức hành nghề công chứng, người tiếp nhận và thời gian tiếp nhận hồ sơ. Việc thiếu hoặc không có phiếu này có thể bị xử phạt hành chính từ 1 đến 7 triệu đồng theo Nghị định 82/2020.

Theo Luật Công chứng mới, hiệu lực từ 1/7, người dân khi công chứng hợp đồng, giao dịch sẽ bớt được một loại giấy tờ. Ảnh: Hải Thư

Song, với luật mới, người dân chỉ cần nộp bốn loại giấy tờ khi yêu cầu công chứng, giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm áp lực giấy tờ không cần thiết.

Không chỉ dừng ở đó, Luật Công chứng 2024 còn quy định rõ bốn trường hợp được thực hiện công chứng ngoài trụ sở. Bao gồm: lập di chúc tại nơi cư trú theo quy định của Bộ luật Dân sự; người không thể đi lại do sức khỏe, đang điều trị nội trú hoặc cách ly y tế; người đang bị tạm giữ, thi hành án hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; và các trường hợp có lý do chính đáng khác được Chính phủ quy định.

Theo Nghị định 104/2025 hướng dẫn chi tiết luật này, "lý do chính đáng" có thể bao gồm phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người làm việc trong lực lượng vũ trang không thể rời nhiệm vụ, hoặc gặp tình huống bất khả kháng khiến không thể đến trụ sở công chứng. Việc công chứng ngoài trụ sở vẫn phải diễn ra tại địa điểm cụ thể, phù hợp với tình trạng của người yêu cầu.

Một điểm mới khác được giới chuyên môn đánh giá cao là giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng. Theo đó, chỉ những công dân Việt Nam không quá 70 tuổi mới đủ điều kiện được xem xét bổ nhiệm công chứng viên. Người đã được bổ nhiệm trước ngày luật có hiệu lực, nếu trên 70 tuổi, sẽ được tiếp tục hành nghề thêm 2 năm. Hết thời hạn này, sẽ đương nhiên bị miễn nhiệm. Quy định này góp phần làm rõ tuổi nghỉ hưu của công chứng viên, phù hợp với thực tiễn và các quy định hiện hành như Nghị định 50/2022.

Về đào tạo, Luật Công chứng 2024 siết chặt hơn tiêu chuẩn với người muốn trở thành công chứng viên. Trước đây, bốn nhóm đối tượng gồm thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên từ 5 năm trở lên; luật sư hành nghề từ 5 năm; giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ luật; và các chức danh chuyên môn cao cấp trong ngành pháp luật được miễn đào tạo công chứng, chỉ cần tham gia khóa bồi dưỡng ba tháng.

Tuy nhiên, theo luật mới, tất cả các nhóm đối tượng nêu trên vẫn phải tham gia chương trình đào tạo công chứng chính thức, nhưng rút ngắn còn 6 tháng thay vì 12 tháng như thông thường. Chương trình đào tạo do các cơ sở được Chính phủ quy định tổ chức, trong khi Bộ Tư pháp chỉ đảm nhiệm việc xây dựng khung chương trình và công nhận tương đương nếu người học đã được đào tạo công chứng ở nước ngoài.

Sự thay đổi này nhằm đảm bảo chất lượng chuyên môn đồng đều trong nghề công chứng, nhất là trong bối cảnh số lượng giao dịch dân sự ngày càng lớn, đòi hỏi công chứng viên phải có kiến thức pháp lý và kỹ năng thực hành bài bản.