2025-05-30 15:29:10

Hai phút nghẹt thở cứu tim thai nhi cho bà bầu Singapore

(NS) - P HCM – Chỉ trong hơn hai phút kể từ khi kim chuyên dụng được đâm vào buồng tim, tim thai bắt đầu chậm lại rồi gần như ngừng đập. Các bác sĩ Việt Nam đối mặt khoảnh khắc định mệnh, giành giật sự sống cho một thai nhi người Singapore mắc bệnh tim bẩm sinh nghiêm trọng.

TP HCM – Kim chuyên dụng vừa chọc vào buồng tim thai nhi, nhịp tim bắt đầu chậm lại. TS.BS Đỗ Nguyên Tín, Bệnh viện Nhi đồng 1, khựng tay lại trước nguy cơ tim thai có thể ngừng đập bất cứ lúc nào.

"Dừng lại hay tiếp tục?" – câu hỏi này vang lên trong khoảnh khắc căng thẳng tột độ khi bác sĩ Tín trao đổi nhanh với BS Trịnh Nhựt Thư Hương, Trưởng khoa Chăm sóc trước sinh, Bệnh viện Từ Dũ và các đồng nghiệp hôm 28/5.

Thai nhi khi ấy đang nằm ở tư thế thuận lợi hiếm hoi để tiếp cận tim. Nếu rút kim, có thể nhịp tim sẽ phục hồi, nhưng việc lặp lại vị trí chọc kim là gần như không thể. Trước đó, trong lần can thiệp đầu ngày 22/5, sau hơn hai giờ xoay trở, thai vẫn nằm sấp cố định với bánh nhau mặt trước, khiến ê-kíp không thể tiếp cận được tim. Đến lần can thiệp thứ hai, các bác sĩ cũng mất hơn hai giờ xoay trở, truyền ối, mới có được tư thế phù hợp để tiếp cận buồng tim.

"Làm luôn, chần chừ là mất cơ hội", bác sĩ Hương quyết đoán. Không khí căng thẳng bao trùm phòng can thiệp. Nếu không nong được van động mạch chủ lần này, em bé gần như không còn cơ hội sống do thiểu sản thất trái.

Tim thai chậm do áp lực từ thành ngực, bác sĩ Tín quyết định tiếp cận nhanh nhất có thể. Kim xuyên tử cung đi vào buồng thất, máu không chảy ra như thường thấy. Không còn thời gian, ông nhanh chóng luồn dây dẫn (guidewire) qua kim, đưa bóng vào đúng vị trí van động mạch chủ và bơm căng để nong van. Các bác sĩ gần như nín thở theo dõi từng thao tác.

Thời gian thông tim – từ lúc đâm kim đến lúc rút ra – chỉ 2 phút 40 giây, một kỷ lục về tốc độ, thực hiện trong điều kiện rủi ro cực cao. Ngay sau can thiệp, bác sĩ tiêm adrenaline vào đùi thai nhi. May mắn, nhịp tim phục hồi nhanh về mức 141 lần/phút – bình thường.

Bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ và Nhi đồng 1 ôm chầm lấy nhau khi can thiệp tim thai thành công. Video: Bác sĩ cung cấp

Toàn ê-kíp vỡ òa trong xúc động. Dòng máu qua van động mạch chủ lưu thông trở lại, vợ chồng thai phụ nắm chặt tay nhau, rưng rưng trong niềm hạnh phúc tột cùng.

Vợ chồng thai phụ, 41 tuổi, đến từ Singapore, đã bám trụ gần một tháng tại TP HCM để tìm hy vọng giữ con. Thai là kết quả của 10 năm điều trị hiếm muộn bằng thụ tinh ống nghiệm, dự sinh tháng 9/2025. Theo dõi tại hai bệnh viện lớn Singapore, ở tuần thai thứ 18, bác sĩ phát hiện bất thường tim thai. Đến tuần 21, tình trạng trở nặng: hẹp nặng van động mạch chủ, hở van hai lá, thiểu sản thất trái.

Biết đến kỹ thuật can thiệp tim thai của Việt Nam – vốn rất hiếm trên thế giới – bác sĩ Singapore liên hệ TS.BS Tín. Ngày 5/5, thai phụ đáp chuyến bay đến TP HCM, tìm cơ hội cuối cùng.

BS.CK2 Đỗ Thị Cẩm Giang, khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết đây là ca khó nhất trong số 9 ca từng can thiệp. Thai nhi quá nhỏ (600 gram), van động mạch chủ hẹp khít. Các bác sĩ hai bệnh viện đã hội chẩn nhiều lần, mời chuyên gia từ Australia, Italy. Kết luận chung: phải can thiệp sớm, nếu không thai sẽ tử vong. Nhưng nếu thất bại, rủi ro tử vong trong bụng mẹ cũng rất cao.

Các y bác sĩ tập trung cao độ nhìn vào màn hình trong cuộc can thiệp ngày 28/5. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Vợ chồng thai phụ tham dự buổi hội chẩn, tha thiết xin được cứu con. Dù lần can thiệp đầu không thể tiếp cận tim do thai nằm sấp, thai phụ vẫn quyết giữ thai và không từ bỏ. Các bác sĩ Singapore nhắn nhủ: "Chỉ cần mở được van động mạch chủ, các bước điều trị tiếp theo chúng tôi sẽ tiếp tục khi bé chào đời".

Lần can thiệp thứ hai buộc phải thực hiện nhanh và chuẩn xác. Trái tim thai nhi chỉ còn thất trái rộng 1,4 mm – nhỏ nhất ê-kíp từng thực hiện (kỷ lục trước là 2,4 mm). Tư thế thai không thuận, buộc phải xoay 120 độ theo chiều kim đồng hồ. Chỉ cần lệch vài độ, dây rốn có thể xoắn, tim ngừng đập. Bác sĩ Hương dùng dụng cụ chuyên dụng đưa vào buồng ối, xoay từng đốt đùi, vai, ngực... đến khi trục tim vào đúng vị trí.

Thành công bước đầu này chỉ giúp giảm nguy cơ tử vong trong bụng mẹ. Sau khi chào đời, bé sẽ tiếp tục được điều trị phẫu thuật tim tại Singapore.

TS.BS Đỗ Nguyên Tín đánh giá, chính quyết định tạm dừng đúng lúc ở lần đầu đã cứu sống thai nhi. Tư thế thai được dựng mô hình 4D chi tiết, hỗ trợ định hướng chuẩn xác cho lần hai.

"Nếu lần đầu cố làm đến cùng, nhiều khả năng sẽ không cứu được em bé", ông nói.

Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng (góc trái) trực tiếp chủ trì cuộc hội chẩn trước khi can thiệp ở Bệnh viện Từ Dũ hôm 28/5. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đây là ca can thiệp tim thai nhi thứ 9 tại Việt Nam, và lần đầu tiên thực hiện cho một sản phụ người nước ngoài. Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng nhận định việc một bệnh viện hàng đầu Singapore tin tưởng giới thiệu người bệnh sang Việt Nam điều trị là sự công nhận tay nghề cao của bác sĩ Việt Nam trong lĩnh vực y học bào thai ở khu vực ASEAN.