2025-06-10 10:38:23

Những đại gia nộp khắc phục nghìn tỷ đồng trước phiên tòa

(NS) - Không chỉ cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết, chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh và nhiều bị cáo trong đại án Vạn Thịnh Phát cũng đã nộp hàng nghìn tỷ đồng khắc phục hậu quả trước khi bị đưa ra xét xử, với kỳ vọng được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Ngày 5/6, luật sư của ông Trịnh Văn Quyết cho biết vợ ông vừa nộp thêm 1.400 tỷ đồng khắc phục hậu quả, nâng tổng số tiền nộp lên gần 2.500 tỷ đồng – vượt 10 tỷ đồng so với nghĩa vụ dân sự được yêu cầu. Động thái này diễn ra 12 ngày trước phiên phúc thẩm, nơi ông Quyết và hai em gái – cũng là các cựu lãnh đạo trong hệ sinh thái FLC – dự kiến kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết sau khi nghe tuyên án, ngày 5/8/2024. Ảnh: Giang Huy

Tại phiên sơ thẩm, ông Quyết bị tuyên án 21 năm tù về hai tội Thao túng thị trường chứng khoán và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hai em gái ông lĩnh án từ 8 đến 14 năm tù. Trả lời tòa, ông cho biết khối tài sản cá nhân ước tính lên tới 5.000 tỷ đồng, gồm cổ phần Bamboo Airways, 30% cổ phần tại Tập đoàn FLC và hàng trăm triệu cổ phiếu. Tuy nhiên, tất cả đều đang bị phong tỏa.

Dù không phủ nhận hay phản bác cáo buộc, ông Quyết cho biết đã "đau đáu tìm cách khắc phục hậu quả". Trong lời nói sau cùng tại phiên sơ thẩm, ông bày tỏ mong muốn được khoan hồng để sớm ra tù, làm lại cuộc đời.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, chưa có một mức cụ thể nào về số tiền khắc phục là bao nhiêu thì được giảm án. Việc xét giảm hình phạt sẽ tùy thuộc vào mức độ khắc phục, thái độ thành khẩn, vai trò trong vụ án và các tình tiết khác. Nộp tiền không đồng nghĩa đương nhiên được giảm án.

Ông Đỗ Anh Dũng tại phiên phúc thẩm ngày 25/9/2024. Ảnh: Danh Lam

Trước đó, trong vụ án gian lận trái phiếu tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh, ông Đỗ Anh Dũng – chủ tịch tập đoàn – bị cáo buộc lừa đảo hơn 8.600 tỷ đồng từ 6.630 người. Ông bị truy tố theo khoản có khung hình phạt lên tới tù chung thân. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đã được nộp khắc phục trong giai đoạn điều tra.

Tòa sơ thẩm tuyên ông Dũng 8 năm tù – dưới mức thấp nhất của khung hình phạt. Phiên phúc thẩm sau đó giảm thêm một năm do ông cao tuổi, mắc bệnh hiểm nghèo và có nhiều đóng góp cho xã hội. Đợt đặc xá nhân dịp 30/4 vừa qua, ông Dũng cũng có tên trong danh sách được hưởng chính sách khoan hồng.

Trong giai đoạn hai của đại án Vạn Thịnh Phát, bà Trương Mỹ Lan – chủ tịch tập đoàn – không trực tiếp nộp tiền nhưng được ghi nhận có khả năng khắc phục thiệt hại rất lớn. Cục Thi hành án cho biết đã thu hồi được hơn 8.600 tỷ đồng và có khả năng tiếp tục thu hồi thêm 15.000 tỷ đồng. Tuy bị tuyên tổng hợp mức án tử hình, tòa cho biết nếu bà Lan khắc phục được 3/4 số tiền tham ô (304.000 tỷ đồng), tức khoảng 228.000 tỷ, sẽ được xem xét chuyển sang mức án chung thân.

Người được giảm án sâu nhất trong vụ án này là ông Dương Tấn Trước, CEO Công ty Tường Việt, từ 11 năm tù giảm còn 6 năm do đã nộp 3.000 tỷ đồng để hoàn trả tiền cho bà Lan và góp phần khắc phục hậu quả chung. Tương tự, đại gia Nguyễn Cao Trí cũng được giảm 2 năm tù, còn 6 năm, nhờ đã nộp lại 1.000 tỷ đồng chiếm đoạt.

Luật sư Trịnh Văn Tuyến (Văn phòng luật sư Giang Thanh, Hà Nội) cho rằng việc khắc phục hậu quả đóng vai trò rất lớn trong các vụ án kinh tế, tài sản. Bộ luật Hình sự 2015 đã xác định đây là một tình tiết giảm nhẹ. Tư pháp hiện đại ưu tiên thu hồi tài sản, coi đó là mục tiêu chính, bên cạnh việc xử lý hình sự.

Theo ông Tuyến, chủ trương thu hồi tài sản không chỉ có lợi cho nhà nước mà còn tạo động lực để người phạm tội và gia đình chủ động khắc phục hậu quả, từ đó sớm được giảm nhẹ hoặc trả tự do. Tuy nhiên, số tiền nộp phải tương xứng với thiệt hại, không có chuyện "chiếm đoạt nghìn tỷ rồi nộp vài tỷ cũng được giảm án".

Ông dẫn ví dụ vụ án Đưa hối lộ tại Bộ Công Thương liên quan cựu vụ phó Nguyễn Lộc An, bị cáo Trần Trác Việt Đức làm thất thoát 105 tỷ đồng nhưng chỉ nộp lại một tỷ đồng. Tòa nhận định mức nộp quá nhỏ nên không có căn cứ giảm nhẹ, tuyên phạt bị cáo 12 năm tù.

Theo các chuyên gia pháp lý, chính sách xét giảm hình phạt thông qua khắc phục hậu quả là cơ chế đủ nghiêm khắc nhưng vẫn nhân văn. Nó đảm bảo thu hồi tài sản cho nhà nước và xã hội, đồng thời cho người phạm tội một con đường để chuộc lỗi và phục hồi sau án phạt.