2025-06-02 14:59:31

Phú Thọ: 7 người nhập viện do nắng nóng, một ca nguy kịch phải đặt nội khí quản

(NS) - Nắng nóng gay gắt tại miền Bắc đã khiến 7 bệnh nhân nhập viện cấp cứu tại Phú Thọ trong ngày 1/6. Trong đó, một trường hợp nguy kịch, hôn mê và phải đặt ống nội khí quản.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê, cho biết cả 7 trường hợp đều là người dân lao động ngoài trời, gặp tình trạng say nắng, mất nước, rối loạn thân nhiệt. "Đây là lần đầu tiên đơn vị tiếp nhận số ca say nắng nhiều như vậy chỉ trong một ngày", bác sĩ Thủy nói.

Trong số các ca nhập viện, một người phụ nữ 65 tuổi được xác định ở thể nặng nhất. Bệnh nhân ra đồng làm việc từ 9h sáng đến khoảng 11h thì được phát hiện nằm bất tỉnh giữa đồng. Khi đưa đến bệnh viện, bệnh nhân hôn mê sâu, phản xạ đồng tử yếu, thở khò khè, thân nhiệt 39,5 độ C, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt chỉ còn 80/50 mmHg.

Bác sĩ kiểm tra sức khỏe bệnh nhân. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Các bác sĩ lập tức đặt ống nội khí quản, cho thở máy, làm mát cơ thể bằng các biện pháp hạ nhiệt tích cực, đồng thời truyền dịch để bù nước và điện giải. Sau khoảng 5 giờ hồi sức tích cực, các chỉ số sinh tồn ổn định trở lại, tình trạng rối loạn thân nhiệt được kiểm soát. Gia đình đã xin chuyển tuyến điều trị tiếp tại bệnh viện tuyến trên.

Sáu trường hợp còn lại chủ yếu có biểu hiện mệt lả, co rút cơ toàn thân, tay chân co quắp. Sau khi được cấp cứu, làm mát và truyền dịch, đa số bệnh nhân đã ổn định và tiếp tục được theo dõi tại cơ sở y tế.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Thủy cho biết, trong môi trường nắng nóng, cơ thể con người sẽ tăng tiết mồ hôi để điều hòa thân nhiệt. Tuy nhiên, mất nước và điện giải quá mức mà không được bù kịp thời có thể dẫn đến trụy tim mạch, rối loạn điện giải nặng, thậm chí tử vong. Tình trạng tăng thân nhiệt cũng có thể ảnh hưởng đến tim mạch, hệ hô hấp, thần kinh và nhiều cơ quan quan trọng khác trong cơ thể.

Để phòng tránh say nắng, say nóng, người dân được khuyến cáo hạn chế lao động ngoài trời trong thời gian dài, đặc biệt là trong khung giờ nắng gắt từ 10h đến 16h. Khi buộc phải làm việc, cần trang bị đầy đủ đồ bảo hộ chống nắng như áo dài tay, mũ rộng vành, kính mát và uống đủ nước. Các môi trường lao động như nhà xưởng, công trường, hầm lò... cũng cần có biện pháp thông gió, làm mát hiệu quả.

Trong hai ngày qua, các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Phú Thọ, Hòa Bình, Bắc Ninh, Bắc Giang ghi nhận nền nhiệt trên 40 độ C. Độ ẩm không khí giảm mạnh xuống còn 40-45%, kết hợp với thời tiết lặng gió làm tăng cảm giác oi bức, khó chịu. Đặc biệt, càng về chiều, nhiệt độ cảm nhận càng tăng do sức nóng hắt lại từ mặt đường và bê tông.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong tháng 6, miền Bắc và miền Trung có khả năng tiếp tục xuất hiện thêm một vài đợt nắng nóng với nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5 đến 1 độ C. Nắng nóng kéo dài có thể gây ra các tình trạng như mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt nếu cơ thể tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao mà không có biện pháp phòng ngừa.